TRUNG TÂM CẤP CỨU 115 THÁI BÌNH

CHUYÊN NGHIỆP - NHANH CHÓNG - AN TOÀN - HIỆU QUẢ

PHẦN II:
Quá trình hình thành và phát triển
Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình

Lễ khánh thành Trạm vận chuyển cấp cứu 05 ngày 09/01/1999

1. TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2001:

  Hoạt động vận chuyển cấp cứu đã có từ khi con người biết chữa bệnh, nhưng còn rất thô sơ: võng, cáng, cõng,…
  Việc vận chuyển cấp cứu kịp thời người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó quyết định đến tính mạng người bệnh.
  Ý thức được tầm quan trọng của cấp cứu và vận chuyển cấp cứu, ngày 20 tháng 02 năm 1978, Chính phủ đã có Chỉ thị 115/TTg về "Công tác cấp cứu người bệnh và người bị tai nạn" và việc xây dựng mạng lưới cấp cứu người bệnh ở các tỉnh và thành phố từ năm 1978 - 1980.
  Ngay sau khi có Chỉ thị, Văn phòng Ty y tế đã thành lập bộ phận khung chuẩn bị các điều kiện về: nhân lực, khảo sát địa điểm… chuẩn bị cho thành lập đơn vị vận chuyển bệnh nhân. Ngày 29 tháng 5 năm 1978 đồng chí Vi Văn Chu đã được bổ nhiệm là Phó trạm trưởng phụ trách Trạm vận chuyển cấp cứu.
  Ngày 20 tháng 4 năm 1979, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 09/TT- BYT hướng dẫn thi hành Chỉ thị 115/TTg về "Công tác cấp cứu người bệnh và người bị tai nạn" và việc xây dựng mạng lưới cấp cứu người bệnh ở các tỉnh và thành phố từ năm 1978 - 1980.
  Ngày 01 tháng 9 năm 1979, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 88/TC về việc thành lập Trạm vận chuyển cấp cứu trực thuộc Ty y tế Thái Bình. Tháng 11 năm 1979, Ty y tế Thái Bình triển khai thành lập Trạm vân chuyển cấp cứu và bổ nhiệm Bác sỹ Trần Kỳ - Bệnh viện trưởng Bệnh viện Việt Nam - Bun Ga Ri kiêm Trạm trưởng Trạm vận chuyển cấp cứu.
  Những ngày đầu thành lập, Trạm vận chuyển cấp cứu có 15 cán bộ nhân viên và một số cán bộ kiêm nhiệm của Bệnh viện Việt Nam - Bun Ga Ri: Bác sỹ Trần Kỳ - Bệnh viện trưởng.
  Khi thành lập Trạm vận chuyển cấp cứu chưa có trụ sở riêng. Trạm được Việt Nam - Bun Ga Ri cho mượn 03 phòng hậu phẫu sau mổ để làm việc, thiếu thốn nhiều trang thiết bị. Tháng 4 năm 1980, Trạm được chuyển xuống một đơn nguyên khoa Nhi cũ của Việt Nam - Bun Ga Ri đã xuống cấp do trúng bom đạn trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
  Tháng 5/1980, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Bun Ga Ri điều chuyển cho Trạm 02 xe ô tô gồm 01 xe Gaz (Liên xô) và 01 xe Fiat và 02 xe cứu thương Nisa được Bộ Y tế phân bổ cho bệnh viện từ năm 1973 nhưng còn niêm cất chưa đưa vào sử dụng. Sau đó tiếp nhận thêm 02 xe cứu thương Nisa (Ba Lan) do Bộ Y tế cấp. Đến năm 1980, tổng số xe là 08 chiếc.

Hình ảnh minh họa

  Những năm đầu hoạt động, Trạm được cấp một số vật tư, y dụng cụ phục vụ cho hoạt động sơ cấp cứu người bệnh gồm: 4 bộ dụng cụ đại, trung, tiểu phẫu, nẹp chấn thương, băng gạc, máy phát điện, nồi hấp khô, máy thở…
  Do đường sá không thuận tiện, phương tiện liên lạc lạc hậu nên giai đoạn này chủ yếu là vận chuyển và chi viện cấp cứu. Mỗi năm Trạm thực hiện được từ 300 - 400 chuyến cấp cứu, giai đoạn sau (1997 - 2002) từ 700 – 1000 chuyến/ năm.
  Ngoài ra, cán bộ, nhân viên Trạm vận chuyển cấp cứu còn tham gia làm việc tại một số khoa của bệnh viện Việt – Bun.

  Với biết bao gian nan vất vả, vào lúc 14 giờ ngày 18 tháng 6 năm 1980, chuyến xe cấp cứu đầu tiên xuất phát đi xã Vũ Lạc huyện Kiến Xương cấp cứu dịch tiêu chảy cấp, kíp cấp cứu gồm 03 đồng chí: Bác sỹ Hoàng Ngọc Phát, Y tá Nguyễn Ngọc Toàn và lái xe Đỗ Đức Khiển.

2. TỪ NĂM 2002 ĐẾN NAY:

  Ngày 27/12/2002, xuất phát từ tình hình cấp thiết về công tác cấp cứu và vận chuyển cấp cứu của tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 3838/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm vận chuyển cấp cứu 05 (trên cơ sở tách ra từ khoa Vận chuyển cấp cứu 05 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Đến ngày 01/08/2009, được đổi tên thành Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115. Và ngày 27/5/2014 được đổi tên thành Trung tâm Cấp cứu 115.
  Trung tâm Cấp cứu 115 là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Sở y tế, thực hiện chức năng vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên địa bàn toàn tỉnh, Trung tâm thực hiện tốt việc phối hợp với các đơn vị trong ngành tổ chức cấp cứu tại gia đình, cơ sở y tế, vận chuyển cấp cứu bệnh nhân đến các cơ sở y tế của tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài ngành trong tỉnh tuyên truyền kiến thức xử lý, sơ cấp cứu bệnh nhân, cấp cứu tai nạn, thiên tai, thảm họa.


  Cho đến nay, Trung tâm đã có trụ sở tại số 223, đường Lý Bôn – Thành phố Thái Bình, tọa lạc trên một khuôn viên rộng 1000m2, gồm tòa nhà 2 tầng kiên cố có 24 phòng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện ngày càng được đầu tư mua mới.

Khuôn viên Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình

  Nếu như năm 2002 mới chỉ có 08 xe cứu thương đã cũ, trang thiết bị phục vụ cấp cứu còn sơ sài, thiếu đồng bộ, hoạt động kém hiệu quả, thì đến nay Trung tâm đã có 17 xe chuyên dùng hiện đại, trong đó có 05 xe được trang bị phương tiện cấp cứu đồng bộ và hiện đại (trên xe có hệ thống định vị, camera giám sát, xe được trang bị máy thở, shoks điện, monitor, bơm tiêm điện, máy điện tim, siêu âm xách tay, bình oxy,…). Địa bàn hoạt động đã được mở rộng tới Trạm y tế xã và đến tận gia đình người bệnh.

Bộ phận tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 bảo đảm trực 24/24 giờ tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu

  Theo kế hoạch phát triển chung của ngành, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chuyển Trung tâm tiếp quản cơ sở của Bệnh viện Đa khoa thành phố trong thời gian tới.

Biểu đồ thể hiện số lượng cán bộ biên chế Trung tâm

  Năm 2002, tổng số cán bộ, viên chức được giao là 28 biên chế, gồm 02 phòng chức năng, đến nay, Trung tâm có 03 phòng, 02 khoa và 03 Trạm cấp cứu vệ tinh. Tổng số CBCNVC hiện có là 56 người.
  Trung tâm đã chú trọng việc đào tạo chuyên môn, tin học và ngoại ngữ cho đội ngũ y, bác sĩ, cử hàng chục cán bộ tham gia học các lớp chuyên khoa II, chuyên khoa I, định hướng về cấp cứu và hồi sức tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Những kiến thức tiếp thu được khi tham gia khóa học đã được các cán bộ tiếp tục truyền đạt tới các cán bộ khác trong Trung tâm. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã tạo điều kiện cho các điều dưỡng trung học, cao đẳng học lên đại học. Trung tâm cũng đã cử nhiều cán bộ tham gia các lớp tập huấn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và làm lâm sàng kết hợp tại các khoa.

  Xác định công tác cấp cứu trước viện là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Trung tâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để chi viện kỹ thuật cho tuyến dưới kịp thời, an toàn và hiệu quả, phối hợp với các bệnh viện huyện, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh sơ cấp cứu kịp thời khi có yêu cầu.Với nhu cầu cấp cứu của người bệnh ngày càng cao, diễn biến bệnh tất phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cấp cứu ngày càng tinh thông chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ tuyền truyền phổ biến cấp cứu tới từng người dân, tập huấn cho y tế tuyến cơ sở làm tốt sơ cấp cứu ban đầu.

  Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với các chuyên khoa đầu ngành giải quyết tất cả những bệnh nhân nặng như: Đa chấn thương, vỡ tạng đặc, chửa ngoài tử cung, băng huyết…Đây hầu hết là những bệnh nhân mà tính mạng của họ ngàn cân treo sợi tóc và đã được chi viện kỹ thuật kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Tiến hành mổ ngay tại gia đình cho một bệnh nhân tại xã Quyết Tiến - Kiến Xương (5/3/2016)
Tiến hành mổ chửa ngoài Tử cung vỡ ngay tại gia đình cho một bệnh nhân tại phường Trần Lãm – thành phố Thái Bình (12/2016)

Một số trường hợp cấp cứu đặc biệt của Trung tâm


  - Sản phụ Lương Thị Vân, 28 tuổi, ở xã Quyết Tiến, Kiến Xương, Thái Bình được kíp cấp cứu ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115, BV Phụ sản Thái Bình, khoa Huyết học truyền máu BVĐK tỉnh cứu sống ngay tại nhà riêng vào tháng 3/2016. Bệnh nhân được mổ trong phòng khách của gia đình, trên cáng xe cấp cứu của bệnh viện, do cáng cao hơn bàn mổ khiến 2 bác sĩ phải đứng lên hai cái ghế. Không có máy thở, 2 điều dưỡng luân phiên bóp bóng. Sau 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân qua được cửa tử và được chuyển về Bệnh viện Phụ sản Thái Bình theo dõi, điều trị…
  - Hồi 5h ngày 13/12/2016, bệnh nhân Giang Thị Minh 45 tuổi bị đau bụng và ngất. Kíp cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 đã đến ngay sau ít phút. Sau khi khám và chẩn đoán bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ, trụy mạch không thể di chuyển được, kíp cấp cứu do bác sỹ…. của Trung tâm và các bác sỹ khác đã tiến hành hồi sức cấp cứu, đồng thời xin chi viện kĩ thuật sản và truyền máu. Sau gần 1h phẫu thuật, ca mổ hi hữu tác chiến tại chỗ với bàn mổ là băng ca cấp cứu đã thành công. Thành quả này đã được báo Phụ nữ Việt Nam bình chọn là một trong 05 sự kiện y tế nổi bật năm 2016.
  Bên cạnh đó, hằng năm, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch. Mỗi khi có các bệnh dịch nghi ngờ xảy ra, Trung tâm kịp thời báo cáo phòng nghiệp vụ Y của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng để có biện pháp dự phòng và xử lý. Trong những năm qua Trung tâm đã cùng các bệnh viện trong toàn tỉnh cấp cứu và vận chuyển, dập tắt dịch bệnh nguy hiểm như cúm AH5N1, Tả, sốt xuất huyết, cúm…
Hình ảnh diễn tập phòng chống đại dịch cúmA/ H5N1.

  Từ năm 2002 đến nay mặc dù là đơn vị không trực tiếp điều trị và chăm sóc theo dõi bệnh nhân tại cơ sở y tế, song trong những năm qua Trung tâm đã có 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành và nhiều đề tài NCKH cấp cơ sở phục vụ cho công tác cấp cứu, vận chuyển người bệnh tại Trung tâm và công tác quản lý đơn vị và nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đúc kết kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh, xây dựng phác đồ mới điều trị, xử lý cấp cứu và các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong bóp bóng, thở mart, tiết kiệm trong bảo dưỡng, sửa chữa xe luôn được cán bộ viên chức trong Trung tâm chủ động, sáng tạo thực hiện.
  Trung tâm đã xây dựng "Đề án mô hình phát triển Trung tâm đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" và đề án "Thực hiện dịch vụ chăm sóc tại nhà theo mô hình bác sỹ gia đình của Trung tâm cấp cứu 115" đã được Sở Y tế phê duyệt.
  Thực hiện đề án đó, Trung tâm tập trung phát triển công nghệ thông tin phấn đấu trở thành đơn vị thông minh: Lắp đặt máy camera truyền hình trực tiếp trên xe cứu thương cùng với GPS định vị, thuê đường truyền Internet để kết nối với các thiết bị giám sát tại Trung tâm để giám sát hoạt động chuyên môn trên xe trong bất kỳ thời gian nào, tới đây sẽ trang bị máy tính bảng, camera gắn trên mũ cho nhân viên y tế để có thể hội chẩn cùng với các thầy thuốc tại Trung tâm hoặc các chuyên gia, xây dựng website, các phần mềm quản lý hành chính, trang thiết bị, sửa chữa xe… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng theo cách chuyên nghiệp, chất lượng tốt nhất.
  Có thể nói, với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, phát huy truyền thống của ngành trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tập thể các thế hệ lãnh đạo, CBCNVC Trung tâm cấp cứu 115 đã không quản ngại khó khăn, luôn vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đóng góp sức mình cho mục tiêu phát triển chung của ngành, và ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình như chính khẩu hiệu treo trước cổng Trung tâm: “Chuyên nghiệp – nhanh chóng – an toàn – hiệu quả”./.

Xem tiếp
Phần I - Sơ lược về Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình
Phần II - Lịch sử hình thành Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình
Phần III - Lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình qua các thời kỳ
Phần IV - Các đoàn thể Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình
Phần V - Các khoa phòng Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình
Phần VI - Định hướng phát triển Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình
SỞ Y TẾ THÁI BÌNH
TRUNG TÂM CẤP CỨU 115
Địa chỉ: Số 530 Đường Lý Bôn, Thành phố Thái Bình.
Liên hệ: 0227.115 - 0227.3835.826
Email: khth.ttcc115tb@gmail.com
Design by: Lương Đức Anh
Bản quyền thuộc về Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình
Số người theo dõi: 15
Tổng lượt truy cập trong ngày: 200